Ba cách lướt sóng cuộc đời

Ba cách lướt sóng cuộc đời

Chúng ta thường phải đối mặt với nhiều “cơn sóng” cuộc đời trong mối quan hệ, công việc, tài chính và cả sức khỏe bản thân. Chúng ta có thể thí nghiệm ba cách lướt băng qua những “cơn sóng” ấy.

1. Nhìn bằng con mắt trí tuệ

Bản chất của tâm hồn là thiện lành, bình an, hạnh phúc như câu nói: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Khi đó, chúng ta sẽ nhận định và ứng xử với các tình huống một cách an hòa. Nếu có ai đó phóng xe xẹt qua ta với một tốc độ điên rồ thì ta cũng không phản ứng; ta sẽ không thắc mắc sao họ lại phóng nhanh như điên thế. Sẽ chẳng hề có suy nghĩ lãng phí.
Ta sẽ nghĩ, ắt hẳn vì nơi nào đó đang có chuyện xảy ra, rồi ta sẽ có thể gửi đi những lời chúc tốt lành. Ta sẽ chẳng bao giờ biết kết quả của những lời chúc tốt lành ấy vì những lời chúc tốt lành đều là thầm lặng. Đấy là cách hay để khiến chúng ta tách rời với một kết quả nhìn thấy được.

ba cach luot song cuoc doi 3

Nhìn trong khi sử dụng con mắt thứ ba có nghĩa là giận dữ sẽ không đến. Nếu không thì theo cách nghĩ thông thường, giận dữ sẽ đến và ta lại phải vất vả tìm cách dừng cơn giận của mình lại. Cơn giận sẽ lấy đi của chúng ta ít nhiều thời gian, năng lượng.
Một nghiên cứu cho biết nếu tai nạn xe cộ chỉ suýt xảy ra thôi, thì cơ thể của người ở trong tình huống ấy cũng trải qua sang chấn y hệt như nếu tai nạn thật sự xảy ra vậy. Có những bằng chứng khoa học chứng minh rằng suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta liên quan đến nhau và chúng cũng tác động cực lớn đến cơ thể nữa. Suy nghĩ và cảm xúc của ta được truyền sang người khác mà chẳng cần chúng ta nói lời nào.
Chúng ta có thể nắm bắt từ ngôn ngữ cơ thể và các sóng rung động. Cho nên thế giới quan của ta được tạo ra qua các suy nghĩ. Suy nghĩ của tôi thế nào, thế giới của tôi thế ấy. Vậy tôi đang làm gì? Tôi có đang tạo ra kiểu thế giới mà trong đó tôi có thể giữ được niềm hạnh phúc và sự ổn định của mình không? Hay tôi lại bị mắc kẹt vào những câu chuyện của ngoại cảnh?

2. Biết rõ ba khía cạnh thời gian – quá khứ – hiện tại – tương lai

Không gì ngẫu nhiên xảy ra cả. “Hiệu ứng cánh bướm”, một nghiên cứu vào năm 1972 của Edward Norton Lorenz, nhà khí tượng học và chuyên gia về lý thuyết hỗn loạn đã cho biết luôn có nguyên nhân cho bất kỳ điều gì xảy ra. Hiểu về quá khứ, nghĩa là biết chắc rằng chuyện xảy đến với tôi, dù thế nào, cũng có một nguyên nhân, dù tôi không hiểu cụ thể đó là lý do gì.

Biết về hiện tại, nghĩa là hiểu rõ tình huống đang xảy ra ở mức độ như thế nào và tôi luôn là chủ nhân của mọi diều diễn ra trong đời mình. Các nhà tâm lý đưa ra công thức: sự kiện + cách nhìn = cảm nhận. Dù điều gì xảy ra, tôi hiểu việc tôi đang cảm thấy như thế nào là do tôi, chứ không phải do sự kiện hay ai đó.

Hiểu về tương lai nghĩa là tôi nắm rõ quy luật “hành động kết quả”. Tôi sẽ tạo ra kết quả tốt đẹp trong tương lai của mình bằng chính hành động vào lúc này.

ba cach luot song cuoc doi 2

3. Chủ nhân ba thế giới

Thế giới thứ nhất là thế giới của những điều đang xảy ra mà chúng ta nhận biết bằng mắt thấy tai nghe các lời nói hành động. Thế giới thứ hai là thế giới tinh tế và chúng ta nhận biết những điều xảy ra ở mức độ tinh tế, nghĩa là nắm bắt được suy nghĩ và cảm xúc của bản thân cũng như của người khác. Thế giới thứ ba là thế giới tâm hồn, nghĩa là nhìn sâu vào bản chất thiện lành của mỗi tâm hồn, vượt trên cả lời nói, hành động lẫn suy nghĩ, cảm xúc. Đó là thế giới của tĩnh tại và bình an.

Liệu từ chỗ đứng ở đây, thế giới hành động, để nhìn tình huống, tôi có thể di chuyển lên trên cao để từ đó nhìn xuống hay không? Hồi đáp của tôi khi ấy sẽ là gì? Khi tôi cứ ở dưới này, tôi bị vướng mắc hoàn toàn vào tình huống. Tôi cần phải bước ‘lên cao’. Tôi biết rằng khi ấy tôi có thể nhìn mọi thứ từ chiều kích tinh tế. Tôi cũng có thể xem xét mọi chuyện từ một vị trí thậm chí còn cao hơn nữa – từ thế giới của tĩnh lặng và bình an.

ba cach luot song cuoc doi 4

Khi nâng mình lên để thấu cảm suy nghĩ, cảm xúc của người khác, chúng ta hiểu tâm tình, nỗi niềm, mơ ước,… đằng sau lời nói hành động có thể trái khuấy của người khác. Vì vậy mà chúng ta thông cảm với họ hơn, dễ bao dung, làm hòa và hỗ trợ họ thay vì trách móc, sợ hãi hay xa cách. Ngay cả khi suy nghĩ, cảm xúc của người khác chứa đầy tiêu cực, thì việc nhìn họ như những tâm hồn vốn thuần khiết, thiện lành khiến chúng ta bình tâm, không mất niềm tin vào con người, vào cuộc sống. Từ đó, ta hướng đến những giải pháp phù hợp nhất và có lợi nhất cho bản thân, cho tất cả.

Bình An

5 1 vote
Article Rating
Đăng ký nhận thông báo
Khi có
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Scroll to Top