PNO – Lo lắng, sợ hãi là những từ tôi cho rằng không cần cảm nhận lúc này. Điều quan trọng là phải tập trung vào những suy nghĩ tích cực để lan tỏa bầu không khí mạnh mẽ.
Bà Trish Summerfield – nhà giáo dục về lĩnh vực sức khỏe tinh thần người New Zealand – trở nên quen thuộc với Việt Nam sau các chương trình “Quà tặng cuộc sống”, “Đánh thức các giá trị” trên VTV. Bà tham gia thành lập và giảng dạy tại Trung tâm Inner Space Việt Nam.
Đi phục vụ nhiều nơi trên thế giới nhưng bà đã chọn ở lại Việt Nam hơn 20 năm qua.
Không lãng phí thời gian
Phóng viên: Chọn ở lại Việt Nam thời điểm này, bà có chút lo lắng nào không?
Bà Trish Summerfield: Dịch COVID-19 gây khó khăn lúng túng cho toàn thế giới, nhưng tôi tin tưởng vào sự quyết tâm can đảm của người Việt trong công cuộc chống dịch và tin rằng tình hình sẽ được ổn định. Tôi hiểu thời điểm hiện nay khó khăn hơn, nhưng tôi không có ý định trở lại New Zealand tránh dịch.
Lo lắng, sợ hãi là những từ tôi cho rằng không cần cảm nhận lúc này. Điều quan trọng là phải tập trung vào những suy nghĩ tích cực để lan tỏa bầu không khí mạnh mẽ.
Cả hai nước Việt Nam và New Zealand đều được xếp vào top đầu chống dịch hồi COVID-19 mới bùng phát. Bà thấy tình hình dịch có gì giống và khác biệt giữa hai quốc gia?
Theo quan sát cá nhân tôi, năm tuần đầu tiên của đợt dịch COVID-19 hồi tháng 1/2020, tình hình Việt Nam và New Zealand giống hệt nhau, dù nước tôi là một đảo nhỏ, dân số ít. Cả hai chính phủ đều cảnh giác và khôn khéo giữ gìn cho dân chúng.
Gia đình tôi bên đó rất kiên cường và cẩn thận nên họ vẫn ổn. Nay người dân có thể đi du lịch trong nước và đi Úc do hai nước mở chương trình du lịch Úc – New Zealand.
Ở lại TP.HCM – một vùng dịch đang bùng phát mạnh, bà đã trải qua cuộc sống giãn cách thế nào?
Chúng tôi không lãng phí thời gian. Ngay năm 2020, khi Việt Nam thực hiện những cuộc giãn cách ngắn và thành công, tôi và các giảng viên của trung tâm đã tranh thủ thời gian để tạo ra ứng dụng Inner space và các sản phẩm video thể hiện các chuỗi chuyên đề giúp mọi người có thể ứng dụng học tập rèn luyện hằng ngày.
Trong đó có chuỗi “2 phút thiền cà phê” trực tuyến, gồm các bài thiền ngắn như thể dục cho tâm trí một cách hiệu quả, cần trong giãn cách như “từ lo lắng đến quan tâm”, “từ sợ hãi đến bình tĩnh”… Hội thảo về sức mạnh khoan dung, điều chỉnh, đối mặt… được tổ chức online thường xuyên.
Chúng tôi đã và đang viết nhiều tài liệu hỗ trợ mọi người biết cách giữ sức mạnh bên trong và giữ trạng thái tinh thần mạnh mẽ, biết giải thoát khỏi căng thẳng trong đời sống đại dịch. Chúng tôi cũng làm nhiều sách nói cho trẻ em biết cách duy trì sự bình tĩnh, tự tin và tích cực…
Dự trữ năng lượng bình an
Vậy các học viên của trung tâm vượt qua những ngày này như thế nào?
Một số gặp khó khăn về vấn đề tài chính do công việc làm ăn, còn lại hầu hết họ đều ổn. Họ luôn nhắc nhau dự trữ thực phẩm cần thiết trong nhà chứ không hốt hoảng mua vét. Trong trung tâm hoặc các nhà có ban công hay vườn nhỏ họ đều trồng rau để tự túc một phần thực phẩm và giảm bớt căng thẳng.
Bà nhận thấy bản thân mình có gì thay đổi trong đại dịch không?
Dịch bệnh khiến tôi cẩn thận hơn, không lãng phí thời gian. Tôi còn chuẩn bị tinh thần để không bất ngờ với những thay đổi xảy ra đột ngột.
Giống như việc phải dự trữ vật chất, chúng ta cũng phải dự trữ năng lượng bình an cho tâm trí phòng khi có thử thách bất ngờ xảy đến thách thức sức mạnh tinh thần của ta. Nếu chuẩn bị tốt, ta sẽ có “một kho công cụ” giúp tâm trí vượt qua một cách dễ dàng, hạnh phúc.
Nếu có một thứ “thuốc” cho tâm trí, thì nó là gì?
Giống như ta đeo khẩu trang bảo vệ cơ thể tránh vi-rút, ta cũng cần có “khẩu trang cho tâm trí”. Mỗi ý nghĩ ta tạo ra, đều có một rung động ngay lập tức tạo ra hương thơm hay khí độc, tùy vào chất lượng suy nghĩ của ta.
Nếu bạn sợ hãi, giận dữ, “sóng” đó sẽ tác hại lên cơ thể bạn, khiến tim bạn phải đập mạnh hơn. Rồi nó tạo ra không khí căng thẳng tác động lên người khác. Đấy là chưa kể có người đưa suy nghĩ tiêu cực độc hại lên mạng xã hội làm lan truyền, hại cho nhiều người.
Giống như đi đường gặp rác bẩn, không ai đem rác về nhà. Suy nghĩ tiêu cực cũng là rác độc hại tâm trí ta. Vì vậy chúng ta nên cẩn thận với suy nghĩ. Hãy suy nghĩ tích cực, nó sẽ như một thứ “khẩu trang cho tâm trí” ngăn độc hại và giúp ta thêm sức mạnh vượt qua thử thách hiện nay.
Với những người nhiễm bệnh đang chiến đấu cam go, như một “bác sĩ tâm lý”, bà có thể tặng họ “bài tập” gì để hỗ trợ và điều trị?
Đầu tiên, tôi hướng về và gửi cho họ sóng rung động của tình yêu thương, những suy nghĩ tốt đẹp, lòng trắc ẩn vào thời điểm đầy thử thách này.
Ngoài tuân thủ phác đồ điều trị của y khoa, họ có thể tập một bài nhỏ sau:
- Hãy nhìn nhận rằng cơ thể bạn đã từng rất khỏe mạnh. Hãy cảm thấy cơ thể bạn đang cố gắng trở lại khỏe mạnh từng phút.
- Nói chuyện tử tế với cơ thể: “Bạn đã phục vụ tôi rất tốt. Giờ là lúc bạn cần được nghỉ ngơi và để tôi phục vụ bạn”.
- Tập hít thở nhẹ nhàng.
- Đừng nói nhiều. Chỉ nói điều tích cực, nói nhẹ nhàng, ngọt ngào.
- Đọc những thông tin làm bạn có hy vọng và nâng cao tinh thần của bạn.
Cảm ơn bà đã chia sẻ!
Nguyễn Thị Ngọc Hải (thực hiện)