Con biết xài điện thoại chưa? Cuối cùng, vào sinh nhật lần thứ mười ba, con gái tôi cũng đòi cho bằng được một cái điện thoại thông minh trị giá hơn hai triệu đồng mà bấy lâu nó vẫn ao ước.
Thà “vẽ đường cho hươu”…
Tôi quyết định mua điện thoại di động cho con, vì nghĩ rằng, thà “vẽ đường cho hươu” còn hơn để hươu tự tìm cách lén lút chạy quàng chạy xiên. Khi xung quanh nó, bạn bè đa phần đã được sở hữu riêng một cái máy nho nhỏ để quẹt, vuốt, để chát hoặc í ới “tám” với nhau. Mà con mình hễ cứ gặp cha mẹ, ông bà hay cô dì là sà ngay tới, chủ yếu là để mượn điện thoại, xài chút cho đỡ ghiền. Cảnh ấy vừa gây phiền phức vừa khó coi.
Đương nhiên, tôi chẳng cần phải dạy con gái mình cách sử dụng món đồ chơi công nghệ tuyệt hảo của nó. Thế nhưng, việc dạy con dùng điện thoại thế nào cho hữu ích và an toàn, thì chắc chắn không thể bỏ qua. Tôi yêu cầu con viết ra giấy khoảng thời gian sử dụng điện thoại trong ngày và cả tuần. Lúc đến trường, phải bỏ máy ở nhà. Cuối tuần, con sẽ được cầm máy nhiều hơn một chút. Mỗi lần xài máy cũng không được liên tục cả giờ đồng hồ, mà cần cho mắt nghỉ ngơi. Cách tập thể dục cho mắt là như vầy nè, con thử làm theo mẹ nhé…
Những bài học đắt giá khi sử dụng điện thoại lên mạng
Những bài học đắt giá về việc kết thân trên mạng, nghe lời người lạ dụ dỗ, ra ngoài gặp mặt đi chơi… cũng được tôi mang ra kể thành “chuyên đề”, giúp con tự rút kinh nghiệm. Trước đó, con bé từng tạo một tài khoản Facebook bằng máy của ba nó hoặc bạn bè. Rồi dùng tên tuổi với cái mặt lồ lộ của mình, kết bạn khắp nơi, chát với người khác phái lớn tuổi hơn.
>> Tại bài Bảo vệ con bạn khi lên mạng – Nhà tâm lỳ giáo dục Mỹ Diane G.Tillman đã chia sẻ những kỹ năng lên mạng an toàn.
Nhân tiện xen vào chỗ này cà khịa mấy câu, vô “nhà” kia nói bậy ít lời. Bị chụp màn hình và tố ngược lại, con bé chưng hửng trước cái kỹ xảo lưu dấu vết vô cùng đơn giản ấy. “Con cứ tưởng là xong rồi thôi, con đóng trang của mình lại là được rồi chứ gì?”. Lời giải thích ngô nghê của con khiến tôi giật mình. Bàng hoàng nhớ ra, bấy lâu mình cứ nghĩ con đủ tầm, đủ sức để la cà chơi mạng. Hóa ra, ta đã quá vô tình và chủ quan, để mặc con với cái thế giới phẳng nhiều cạm bẫy ấy dẫn.
Ngay cả khi đã có một cái “cầm tay” của riêng mình, bọn trẻ con cũng cần phải học hỏi để biết gọi cho bạn vào giờ nào trong ngày là phù hợp. Nếu ba mẹ của bạn bắt máy, thì phải nói sao cho lễ độ…
Một chị đồng nghiệp của tôi từng chia sẻ câu chuyện rằng, con của chị phát sinh quá nhiều cước di động trong thời gian ban đầu thằng bé xài điện thoại. Chủ yếu là phí nhắn tin và data 3G. Tới mức nó đã lén lấy tiền của mẹ để nạp thêm thẻ cào. Chị thở dài bảo, đâu có nhớ là phải chỉ con lúc nào nên mở mạng, lúc nào cần tắt hoặc dùng wifi cho tiết kiệm. Khổ ghê vậy đó!
Nên đừng bao giờ nghĩ rằng, bỏ tiền mua máy cho con xong là mình hết trách nhiệm.
Hoàng My
Một số hướng dẫn sử dụng điện thoại an toàn cho con
[su_quote]
Trước khi con của bạn sử dụng điện thoại di động, hãy nói chuyện với con về cách cư xử trong nhắn tin. Hãy hỏi con những giá trị nào con cho là quan trọng.
Hỏi xem con cảm thấy thế nào nếu con nhận được một tin nhắn thiếu tôn trọng, không tử tế hay có ác ý. Hãy nghĩ ra những nội dung tích cực và trung tính. Thử nói những câu nói trung tính bằng nhiều giọng nói khác nhau để xem chúng có bị diễn giải một cách tiêu cực không.
Nói với con là các tin nhắn có thể được lưu giữ trong nhiều năm, do đó, con chỉ nên gửi đi những gì mà nhiều năm sau đó, con vẫn cảm thấy tự hào.
Có thể yêu cầu con gửi những tin nhắn đầu tiên đến một người bạn hoặc những người thân khác. Bạn có thể hướng dẫn con tạo quy cách riêng cho tin nhắn.
Hoặc con có thể chèn vào đồ họa xinh xắn và đặt nó làm hình nền các email gửi đi của con.
Cùng con thảo luận về những tác động của tin đồn đối với nạn nhân của tin đồn và yêu cầu con không bao giờ tán gẫu về người khác. Nói về tầm quan trọng của việc không bao giờ gửi đi một tin nhắn khi đang tức giận.
Giải thích rằng, khi đang tức giận người ta rất dễ muốn làm tổn thương người khác – và đừng bao giờ sử dụng những từ làm tổn thương người khác. Cùng con theo dõi xem những tin nhắn con gửi đi có để lại cho người nhận cảm giác tích cực không? Liệu nó có làm tổn thương cho bất cứ ai không?
[/su_quote]
Diane G.Tillman, nhà tâm lý giáo dục Mỹ