Con cần tiền tiêu vặt, hãy làm việc vặt ✅ Bạn có thường bị dụ dỗ và chịu thua khi con nài nỉ một món đồ không cần thiết không? Bạn có cảm thấy như có lỗi khi không cho con những gì con muốn không? ✅ Hãy đọc bài viết dưới đây để tìm câu trả lời cho chính bạn.
Hướng dẫn con làm việc vặt để lấy tiền tiêu vặt
Tôi ủng hộ một khoản tiền tiêu vặt hàng tuần cho trẻ em. Khoản trợ cấp này sẽ giúp trẻ hiểu được mối quan hệ giữa công việc và tiền bạc và tạo cơ hội để trẻ tự khám phá kết quả của những lựa chọn của chính mình, tự dung hòa những mong muốn và làm quen với những khoản lợi đều đặn lâu dài khi trẻ quản lý tiền bạc.
Nếu dành cho con một khoản trợ cấp là không thể do bạn không có dư dả, thì bạn đừng lo, hãy vẫn chừa ra cho con một số việc nhà thông thường. Mỗi đứa trẻ đều thích nhận trách nhiệm giúp đỡ gia đình. Một khoản trợ cấp có thể đóng vai trò như động lực thúc đẩy. Một số trẻ em dễ dàng nhớ những công việc thường nhật được giao và làm mà không kêu ca.
Bài viết Con cần tiền tiêu vặt, hãy làm việc vặt trên báo Phụ Nữ
Có những trẻ khác thì không như vậy. Nếu con bạn không giỏi nhớ, thì ghi ra một biểu đồ hoặc danh sách các công việc. Khi bạn muốn áp dụng cho con một khoản trợ cấp, bạn có thể chỉ ra một vài việc vặt. Nếu con còn bé, bạn có thể cùng con làm một biểu đồ, sử dụng hình ảnh cho mỗi công việc. Hãy tận hưởng thời gian làm biểu đồ – làm cho biểu đồ thật đẹp và đầy màu sắc. Sau đó, thay vì dùng lời nói để nhắc nhở các con từng công việc, bạn chỉ cần nhẹ nhàng nói, “Việc nhà?” và chỉ tay về phía biểu đồ với một nụ cười. Một từ và một nụ cười thì tốt hơn một triệu lần so với một cái cau mày và 100 từ, đặc biệt nếu là những lời nói về công việc!
Giúp con xây dựng kỹ năng
Trẻ con phụ giúp cha mẹ là một phần tự nhiên của cuộc sống hàng ngày. Trẻ biết đi chập chững thì có thể tự cất đồ chơi. Khi lớn hơn, trẻ có thể giúp bày và dọn bàn ăn, trét bơ lên bánh mì nướng, v.v. Bạn hãy nhìn lại cuộc sống của gia đình bạn và xem con bạn có thể giúp vào những lúc nào và ở đâu. Chén bát đang cần rửa và thùng rác đã đầy cần đổ. Các con của bạn đã đủ lớn để giúp làm vườn hoặc chăm sóc thú vật được chưa? Biết đâu cô con gái lên mười của bạn thích nấu ăn và có thể làm món trộn hoặc món rau luộc vài lần trong tuần cho bữa ăn tối. Nếu con bạn lớn hơn, có thể các con đã sẵn sàng để nấu toàn bộ bữa ăn nếu bạn giúp con lên thực đơn. Bạn cần giúp việc gì khác nữa nào? Con của bạn đã biết tự giặt đồ chưa? Khi bạn tích cực giúp con xây dựng các kỹ năng, sự tự tin của con sẽ phát triển. Một khoản tiền tiêu vặt được xem như một kết quả hợp lý. Nếu trẻ hoàn thành tốt công việc thì tự động được trợ cấp. Nếu trẻ chỉ làm xong một phần công việc, thì chỉ được trợ cấp một phần. Ví dụ, nếu trẻ chỉ nhớ cho chó ăn và đổ rác năm trong tổng số bảy ngày, lúc đó, trẻ chỉ nhận được một phần lớn tiền chứ không phải trọn khoản trợ cấp. Như luôn được khuyến khích, chúng ta chỉ nên nói đến các kết quả không tốt một cách tất yếu, đúng sự việc, chứ không phải theo lối cảnh báo, khiến cho trẻ thấy kém cỏi. Đưa ra hệ quả không tốt với thái độ cảnh báo sẽ chỉ làm giảm đi tinh thần hào hứng làm việc của trẻ, trong khi đó, một câu nói với giọng điệu vui tươi như “Vậy là khá giỏi rồi, có năm ngày con tự làm không cần mẹ nhắc nhở tiếng nào!” sẽ khích lệ trẻ rất nhiều.
Để giữ cho mình luôn ôn hòa, bạn có thể đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho từng công việc để có thể đánh giá xem các việc có được thực hiện đúng hay không. Ví dụ, phải cho chú cún ăn trước bữa ăn tối và phải rửa sạch bát đĩa sau khi ăn tối. Bạn có thể muốn đặt ra một khoản tiền thưởng thêm, năm ngàn đồng chẳng hạn, khi tất cả các công việc được hoàn thành tốt mà không cần nhắc nhở. Trẻ em còn cần thời gian để chơi, khám phá và làm bài tập về nhà. Xin đừng giao quá nhiều việc trừ khi thật cần thiết vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Khi con nài nỉ xin quà
Vào những ngày lễ hoặc những dịp đặc biệt như sinh nhật, trẻ em đều được nhận quà. Do quảng cáo nhắm đến giới trẻ tăng lên nhanh chóng trong những năm qua, nhiều trẻ em đã phát triển thói quen xin cha mẹ những gì trẻ thấy trong quảng cáo. Một đứa trẻ kiếm được một khoản trợ cấp thì nhân cơ hội đó, phụ huynh có thể đưa ra một câu trả lời có thể là: “Món đồ đó đẹp thật. Đôi khi thật khó để con có thể chọn chi tiền vào việc gì đấy nhỉ,” hay “Con có đủ tiền mua món đó không?” Có thể: “Đôi khi quá nhiều thứ hấp dẫn ta. Có thể con cần bỏ chút thời gian để nghĩ về việc con thật sự muốn tiêu tiền của con vào những món đồ gì.” Nếu con cứ nằn nì và khoản tiền đang có là không đủ, bạn có thể hỏi: “Con có nghĩ rằng con nên đưa nó vào danh mục những món quà mơ ước trong ngày sinh nhật của con không?”
Nếu đứa con thiếu niên của bạn muốn có một chiếc quần jean đắt tiền một cách vô lý, bạn có thể ngồi xuống nói chuyện với con về việc này, theo chủ đề “những điều ta cần khác những điều ta muốn như thế nào”. Bạn có thể hỏi: “Có đúng là con sẽ có giá trị hơn nếu con có món đồ đó hay là con chỉ giúp cho công ty đó kiếm nhiều tiền hơn?” “Tại sao con thích bạn ấy?”… “Vậy là, con thích bạn ấy vì những phẩm chất của bạn, chứ không phải vì cái quần Jean bạn ấy mặc.” Nhưng sau đó bạn hãy nối tiếp bằng một câu trả lời dễ chấp nhận hơn: “Ừ, cha/ mẹ nghĩ có một chiếc quần jean thì cũng không sao. Chúng ta thường mua quần jean cho con với chừng đó… tiền. Cha/ mẹ sẵn sàng cho con số tiền đó. Nhưng, nếu con muốn có một cái quần jean thật đắt tiền, con sẽ phải tự lo phần còn lại”.
Nếu con bạn muốn kiếm thêm số tiền còn lại cho mục đích này, bạn cũng có thể cùng con thảo luận một việc gì đó hữu ích. Ví dụ, con có thể giữ trẻ cho một người hàng xóm, dạy kèm trẻ nhỏ hơn hoặc làm thêm một số việc phụ giúp ở nhà trong một khoảng thời gian ngắn hạn. Nếu con không muốn làm việc để kiếm thêm tiền và cũng không có tiền để dành, nhưng vẫn muốn xin món đồ này, con có thể đưa nó vào danh sách những món quà mơ ước vào sinh nhật. Bạn có thường bị dụ dỗ và chịu thua khi con nài nỉ một món đồ không cần thiết không? Bạn có cảm thấy như có lỗi khi không cho con những gì con muốn không? Có lẽ bạn nên tự đả thông việc này bằng cách hiểu rằng điều quan trọng đối với chúng ta, cả trẻ em và người lớn, là có thể cưỡng lại những thôi thúc mong muốn bên trong và trì hoãn sự hưởng thụ. Yêu thương và tách rời là một sự cân bằng tuyệt đẹp – yêu con và tách rời khỏi sự nài nỉ. Khi gần tới sinh nhật của con, bạn có thể hỏi lại con xem quần jeans vẫn là món quan trọng nhất trong danh sách không.
Diane Tillman
Tiến sĩ tâm lý giáo dục Mỹ