(Theo dòng sự kiện kỷ niệm 30 năm Inner Space tại Việt Nam) Nếu biết cách, căn bệnh có thể là một cơ hội để mang mọi người trong gia đình đến gần nhau hơn…
Tại Úc, bác sĩ (BS) Roger Cole là một BS nổi tiếng trong chuyên ngành ung thư và điều trị đặc biệt. Trong một cuộc gặp gỡ với đồng nghiệp tại Bệnh viện An Sinh TP.HCM, điều làm ông bất ngờ là dưới khán phòng có nhiều người nhà của bệnh nhân, và cả một số bệnh nhân lại là những người đặt nhiều câu hỏi với ông.
Họ quan tâm đến quy trình chăm sóc giảm nhẹ đang được phổ biến trên toàn thế giới vì tính cần thiết và hiệu quả của nó. Giới BS không chỉ học cách khám chữa bệnh bằng thuốc men, phẫu thuật, mà còn nghiên cứu về lĩnh vực tâm lý nhằm xoa dịu nỗi đau bằng sự thông cảm, thấu hiểu.
BS Roger cho biết: “Tôi học cách đọc được cảm xúc và hiểu những trải nghiệm của người bệnh để tự điều chỉnh cách cư xử, hành vi phù hợp với cảm xúc của từng người. Đó là liều thuốc giảm đau thật sự cho người bệnh”.
Song tại cuộc gặp gỡ, vấn đề được đặt ra là nếu bệnh nhân không có điều kiện được BS chăm sóc giảm nhẹ, thì người nhà và tự bản thân họ phải làm thế nào?
Người bệnh rất cần được giáo dục. Có nghĩa họ cần biết vì sao họ không khỏe, chứ không phải chỉ nghe các thông báo về tên của căn bệnh và phải chạy chữa như thế nào, tốn bao nhiêu.
Điều tốt từ căn bệnh
Sự đau đớn được cảm nhận không chỉ từ các vết thương thể xác mà thông qua tâm trí, cơ thể và cảm xúc từ các mối quan hệ. Vì thế khi một người bị bệnh, nỗi đau của họ sẽ giảm nếu mối quan hệ giữa họ và người nhà, mọi người xung quanh tốt đẹp.
Nhiều người thương yêu người thân của mình nên giấu nhẹm thông tin, nhất là các căn bệnh có tính bó tay. Thật ra bệnh nhân không sợ chết, mà sợ không biết rõ vì sao mình chết. Hay nói cách khác, đối với những căn bệnh nan y, cái chết không đáng sợ bằng quá trình chết. Khi có thông tin, họ tự biết cách sắp xếp quỹ thời gian của mình. Người bệnh đau khổ, giận dữ, khó tính vì họ cảm thấy bị cô lập, bị coi là gánh nặng của gia đình.
Theo thống kê của ngành y tại Úc, 25% người bệnh không cảm thấy đau đớn khi được chia sẻ. Khi họ cảm nhận được lòng tốt từ người thân, đó là lúc họ tiếp nhận được liều thuốc bổ, mang lại cho họ sự an toàn, đẩy lùi sợ hãi. Trong một gia đình cởi mở, chấp nhận người bệnh, cung cấp thông tin rõ ràng, cùng nhau mở rộng hiểu biết, sẽ không ai có cảm giác cô độc, nặng nề. Căn bệnh mang mọi người đến với nhau, đó là điều tốt duy nhất mà nó có thể làm được.
Chấp nhận người bệnh là chính họ. Đối xử với họ là con người chứ không phải người bệnh. Theo BS Roger, không ai có thể trao cho người bệnh sự bình an, thanh thản, mà chính họ sẽ tự tìm thấy trong sự giao tiếp thoải mái với mọi người xung quanh, nhất là người thân.
Liều thuốc tình yêu
Suy nghĩ quyết định cảm xúc của bạn, tôn trọng bản thân là không phụ thuộc vào sự đánh giá của người khác. Tự trọng còn phụ thuộc vào việc nhìn nhận người khác như thế nào. Hãy ngừng giận dữ khi nhìn thấy điểm xấu của người khác. Cảm xúc sẽ càng tệ nếu bạn không biết cách kiểm soát. Đó là những nguyên tắc tạo nên hạnh phúc của con người bình thường, mà khi bị bệnh bạn càng nên áp dụng.
BS Roger kể câu chuyện về một bệnh nhân ung thư của ông. Sau một thời gian nhập viện, bà ta bỗng trở nên vui vẻ, không còn kể lể than khóc. Bà tiết lộ “bí kíp”: “Có một cô y tá trước khi ra về không bao giờ quên chúc bệnh nhân ngủ ngon. Điều đó làm tôi rất cảm kích, vui và bớt đau đớn”.
Rõ ràng thái độ biết ơn đã tạo ra một trái tim cởi mở, dễ chấp nhận. Khi biết ơn những người chăm sóc mình, “phải lòng” BS, người bệnh cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản và nỗi đau trên thể xác cũng dịu đi. Tình yêu là liều thuốc quý, không chỉ làm tâm hồn bạn tươi mới mà còn làm thông cả những mạch máu trong cơ thể bạn. Chính thái độ của người bệnh tạo ra không khí dễ chịu, không chỉ cho họ mà cho cả mọi người xung quanh.
Roger viết lại câu chuyện của các bệnh nhân ung thư của ông thành cuốn sách Sứ mạng của tình yêu như một món quà tặng những người rất dũng cảm. Tất nhiên, hầu như câu chuyện nào cũng kết thúc bằng cái chết, nhưng không hề u ám, đau khổ.
Những người bệnh của ông trong giai đoạn cuối, khi vượt qua các giai đoạn sốc, giận dữ, mặc cả, chấp nhận, từ họ lại tỏa ra sự bình an, phóng chiếu ra ngoài những giá trị nguyên thủy của họ qua lời nói, hành vi. Đó là cách họ phục vụ người sống khi tạo ra một bầu không khí rất trong lành. Và đó cũng là những người ra đi, với sự nhẹ nhàng, thanh thản.
Dạ Quỳ thực hiện